Thọ Tân là xã đồng bằng của huyện Triệu Sơn với tổng diện tích tự nhiên là 711,45ha , có 1/3 diện tích tự nhiên thuộc vùng bán sơn địa; Nằm ở phía Tây Bắc huyện Triệu Sơn, cách trung tâm huyện 03km, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 25km về phía Đông; Phía Tây giáp xã Hợp Lý. Phía Bắc giáp xã Dân Lực và Thọ Thế. Phía Đông giáp xã Dân Lực và Minh Sơn. Phía Nam giáp xã Hợp Thắng huyện Triệu Sơn.

Xã giáp với vùng đất phía Tây thuộc vùng Trung du là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử đó là khu di tích Lam Kinh; nằm trong không gian văn hóa Đông Sơn, một nền văn minh trống đồng phát triển rực rỡ của cả nước nói chung và xứ Thanh nói riêng.

Đất đai: Ở Thọ Tân tương đối thuận tiện cho sản xuất, nhất là trồng lúa nước, ngoài ra còn có 47 ha diện tích đất gò đồi, có thể phát triển chăn nuôi trâu bò, trồng cây lâm nghiệp và cây công nghiệp ngắn ngày. Từ xa xưa, nhân dân Thọ Tân đã cần cù khai phá tạo nên những cánh đồng phì nhiêu, xóm làng trù phú, phát triển một nền nông nghiệp ngày càng phong phú về sản vật, nuôi sống nhiều thế hệ người địa phương, góp một phần nhỏ đưa Triệu Sơn trở thành huyện trọng điểm lúa của Thanh Hoá.

Khí hậu và thời tiết: Thọ Tân nằm trong khí hậu đồng bằng ven biển tỉnh Thanh Hóa, có ảnh hưởng một phần  của khí hậu vùng trung du tỉnh Thanh Hóa nên  nhiệt độ cao đều quang năm từ 25,00C- 39,800C, lượng mưa biến động theo mùa khô khá rõ ràng. Lượng mưa trung bình từ 1600- 1900mm. Còn chịu tác động sâu sắc của hai mùa gió trên một nền nhiệt và ẩm phong phú với độ ẩm cao nhất là 89%.

Hệ thống sông ngòi, ao hồ: Trên địa bàn Thọ Tân có 1 con sông tự nhiên chảy qua, đó là sông Hoàng dài hơn 4km và 1chi giang đó là C5/6, chảy qua xã dài gần 4km, sông Hoàng có tác dụng tiêu nước cho các khu đồng chiêm trũng trong mùa mưa. Chi giang C 6 từ xã Xuân Sơn huyện Thọ Xuân chảy qua giữa xã theo nhành C5/6 đổ về cung cấp nước tưới và tiêu nước trong mùa mưa. Các hồ trong xã: Có các hồ Tân Thành (4,1ha), Trung Tiến (7,4ha), Ngân Sách (2,4 ha), Thôn Một (4,5 ha) và hồ Ông Đôi (4,5ha).

Ngày 12 tháng 6 năm 1954, xã Thọ Tân được thành lập từ 4 làng cổ Thanh Yên, Phùng Tác Trung, Hoành Suối và Quan Thành. Đây là những làng trước cách mạng tháng Tám 1945 thuộc tổng Tam Lộng, huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; sau cách mạng Tháng Tám là xã Vạn Thắng; năm 1954 là xã Thọ Tân thuộc huyện Thọ Xuân, năm 1965 cắt chuyển về huyện Triệu Sơn gồm các làng sau:

Làng Thanh Yên: Thời Lê có tên là Trại Năn vì ở đây có các cánh đồng toàn là cây năn, lác. Trại Năn sau đó được một số gia đình quê ở làng Kinh Thanh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đến đây khai phá và đặt tên chữ cho làng là Thành Yên. Làng Thanh Yên là lấy chữ đầu tiên của làng Kinh Thanh với chữ cuối của huyện Ý Yên mà thành). Đến đời vua Đồng Khánh (1885 - 1888), Thanh Yên là một làng “nhất xã nhất thôn” có tên là làng Trung Chính xã Thành An thuộc tổng Tam Lộng, phủ Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Sau cách mạng tháng Tám 1945, thôn Trung Chính xã Thành An lấy tên là làng Thanh Yên; Từ ngày 6 tháng 1 năm 1946 đến đầu năm 1948, Thanh Yên thuộc xã Vạn Thắng, sau 1948 là xã Thọ Thế ( Thọ Thế là một trong 22 xã lớn của huyện Thọ Xuân), năm 1954, chia 22 xã lớn thành 54 xã nhỏ, thôn Thanh Yên thuộc xã Thọ Tân, huyện Thọ Xuân, từ năm 1965 thôn Thanh Yên thuộc xã Thọ Tân huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Làng Quan Thành: là tên gọi trước cách mạng Tháng Tám 1945 thuộc tổng Tam Lộng, huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Sau cách mạng Tháng Tám 1945, thôn Quan Thành thuộc tổng Tam Lộng, huyện Thọ Xuân; Từ ngày 6 tháng 1 năm 1946 đến đầu năm 1948, Quan Thành thuộc xã Vạn Thắng, sau 1948 thuộc xã Thọ Thắng (sau giải thể xã Thọ Thắng), Quan Thành thuộc xã Thọ Dân (Thọ Dân là một trong 22 xã lớn của huyện Thọ Xuân thời kỳ này). Năm 1954, chia 22 xã lớn thành 54 xã nhỏ, Quan Thành thuộc xã Thọ Tân từ năm 1965 làng Quan Thành thuộc xã Thọ Tân huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

 Làng Hoành Suối: Trước đây là trại Thuồi thuộc xã Thành Yên, tổng Tam Lộng, huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; đầu thế kỷ XX (đầu năm 1917), trại Thuồi tách ra thành một làng có tên là Hoành Suối, tổng Tam Lộng, huyện Thọ Xuân. Từ ngày 6 tháng 1 năm 1946 đến đầu năm 1948, Hoành Suối thuộc xã Vạn Thắng, sau 1948 Hoành Suối thuộc xã Thọ Dân Quan Thành thuộc xã Thọ Dân (xã Vạn Thắng gồm có 2 xã là Đông Tân và Thọ Dân). Năm 1954, làng Hoành Suối được đổi tên là làng Khánh Thọ thuộc xã Thọ Tân, huyện Thọ Xuân. Từ năm 1965, làng Khánh Thọ thuộc xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn.

Làng Yên Trung: (còn có tên là Phùng Tác Trung), tên làng có trước Cách mạng tháng Tám 1945 thuộc tổng Tam Lộng, huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân. Sau cách mạng tháng Tám 1945, Phùng Tác Trung lấy tên là Mai Cầu thuộc tổng Tam Lộng, huyện Thọ Xuân; Từ ngày 6 tháng 1 năm 1946 đến đầu năm 1948, Phùng Tác Trung thuộc xã Vạn Thắng, từ 1948 – 1953, xã Vạn Thắng được tách ra thành xã Thọ Dân và Đồng Tâm. Làng Mai Cầu thuộc xã Thọ Dân, năm 1954 Mai Cầu thuộc xã Thọ Tân, huyện Thọ Xuân; Từ năm 1965, làng Mai Cầu thuộc xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Quá trình hình thành và phát triển cộng đồng dân cư ở Thọ Tân kéo dài qua nhiều thế kỉ; có làng hình thành từ trước thế kỉ X như: Làng Quan Thành, làng Hoành Suối, làng Yên Trung, làng Thành Yên. Xã Thọ Tân, đã nhiều lần thay đổi địa giới hành chính và tên gọi, luôn gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân xã nhà; Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, nhân dân Thọ Tân đã đoàn kết một lòng nên đã tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần phong phú, đó là cội nguồn sức mạnh để lớp lớp người Thọ Tân viết nên những truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Thọ Tân, một xã có nền văn hóa phát triển lâu đời; mảnh đất và con người ở đây đã chất chứa, thấm đẫm bao giá trị văn hóa, tinh thần tinh tuý từ ngàn xưa để lại; đây là tài sản vô giá, góp phần tạo nên cốt cách, lối sống của người Thọ Tân hôm nay. Vượt lên muôn vàn gian khó của một vùng chiêm trũng xen lẫn gò đồi, những hủ tục lạc hậu, những định chế ràng buộc của chế độ phong kiến, đời sống văn hóa của địa phương vẫn tồn tại, phát triển bền bỉ cùng năm tháng.